Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa An Nam dịch ngữ
chiếng 井
◎ Nôm: 汫 AHV: tỉnh. LH *tsieŋᴮ OCM *tseŋ? [Schuessler 2007: 317]. Ss đối ứng ciêŋ³ (nguồn), ciêŋ³ (Mường bi), ciêŋ² (Chứt) [NV Tài 1993: 234]. Thế kỷ XV đọc âm chiếng (qua An Nam dịch ngữ) [NN San 2003: 47]. Rhodes (1651): chiếng. Như vậy, chiếng là âm HHV từ thế kỷ XV- xvii.
dt. <từ cổ> giếng nước, đọc theo âm THV. Nước đào chiếng, cơm cày ruộng, thảy thảy dường bằng nguyệt cửu giang. (Bảo kính 129.7). x. tạc tỉnh canh điền.
chận 瞋
◎ Nôm: 陣 AHV: trận. Xét, đối ứng gi- (HHV) ~ s- (AHV), như: giường ~ sàng 床 , giò (gà-) ~ sồ 雛 (con so, con non). Ss đối ứng gện [Rhodes 1651], chjấn (Lâm La), chẩn (bái đính), chân (tân ly), chơn (Hạ Sữu, uy lô, Thái Thịnh) [Gaston 1967: 142]; quá trình ch- > gi- diễn ra sau thời điểm soạn An Nam dịch ngữ [NN San 2003: 205]. Chuỗi đồng nguyên: sân giận trong tiếng Việt, vốn xuất phát từ 瞋. Xét, chữ “瞋” nghĩa gốc là “trừng mắt” (張目也) [Thuyết Văn] sau cho nghĩa “giận dữ” (Quảng Vận). Xét, ở thế kỷ XVII, ngữ tố này có thuỷ âm c- (như Rhodes và các thổ ngữ Mường). ở thế kỷ XV, có thể là một thuỷ âm kép. Kiểu tái lập: *kcan⁶. Quá trình du nhập từ tiếng Hán sang tiếng Việt như sau: sân > *kcan > chận > giận. Trong đó, *kcan là âm HHV ở thế kỷ XV, giận là âm HHV ở thế kỷ XVIII đến nay. Ngoài ra, các đối ứng có c- ở tiếng Mường đều là các âm Hán Mường. Chữ “giận hờn” dịch từ chữ “sân hận”.
đgt. tức. Chận làm chi, tổn khí hoà, nào từng hữu ích, nhọc mình ta. (Giới nộ 191.1)‖ (Miêu 251.8).
diếp 𱢯 / 𣋑
◎ Phiên khác: dịp: ngày trước, hồi trước (TVG, VVK). Nay theo Kiều Thu Hoạch (chuyển dẫn ĐDA 1974: 743).
dt. <từ cổ> đã qua, (thời) trước, (thuở) xưa, trái với rày (nay). 昨日 tạc nhật: ngày diếp (An Nam dịch ngữ- thì lệnh môn). Phng. miền Trung: “bữa diếp: hôm kia” [Alves 2012: 9]. Diếp huyện hoa còn quyến khách, rày biên tuyết đã nên ông. (Thuật hứng 62.3)‖ Diếp còn theo tiên gác phượng, rày đà kết bạn sa âu. (Bảo kính 162.3)‖ Diếp trúc còn khoe tiết cứng, rày liễu đã rủ tơ mềm. (Tích cảnh thi 200.1). Lưu tích còn trong một số từ của thế kỷ XVIII, XIX như “hôm diếp: prateria dies. bữa diếp: id.” [Taberd 1838: 109]‖ Băn khoăn bữa diếp sự hoang đàng (trịnh hoài đức - thơ đi ).
sày 師
◎ Nôm: 柴 Đọc âm HHV. AHV: sư. OCM *sri [Schuessler 2007: 461]. Bụt là thầy cả trong tam giới. 如來是三界大師 (Phật Thuyết 7a). Chữ Nôm 舍賴哿, đối dịch chữ đại sư; cả < đại; 舍賴 (xá lại) < 師, được tái lập là một âm có tổ hợp phụ âm đầu là sr-. [NT Cẩn 2008; NQ Hồng 2008: 135], và salaj⁶ [Shimizu Masaaki 2002: 769]. Nay theo thuyết của NT Cẩn. *sri là âm của chữ 師 vào quãng thế kỷ VI trở về trước, đến đời Đường mới đọc thành *si (sư). Nhưng dấu vết cổ của nó vẫn được bảo lưu trong tiếng Việt vào quãng thế kỷ XII qua sách Phật Thuyết. Chữ Nôm QATT và các văn bản nôm thường dùng sài 柴 để ghi thày. Rhodes đã ghi nhận thày chứng tỏ đến thế kỷ XVII quá trình sày > thầy đã hoàn tất. Thế kỷ XV- xvi có lẽ vẫn đọc là sày. An Nam dịch ngữ ghi: “僧人: 隨委”, được Vương Lộc tái lập là [suei uei], và giải nghĩa là người sư (sãi) [1997: 152], theo chúng tôi đây là ghi âm người sày (thày). Tày: sày, sấy [HTA 2003: 437 - 463].
dt. <Nho> tiên sư, người dạy học. (Mạn thuật 25.4)‖ (Tự thán 94.8)‖ (Bảo kính 167.5, 173.3).
dt. <Phật> thầy chùa. Cảnh tựa chùa chiền, lòng tựa sày, có thân chớ phải lợi danh vây. (Ngôn chí 11.1)‖ (Miêu 251.2).
dt. thầy thuốc, người chữa bệnh. Ai rặng túi sày chăng đủ thuốc, hay vườn đã có vị trường sinh. (Hoàng tinh 234.3).
sáng 朗
AHV: lãng. Âm HTC là *c-raŋ? (Baxter). Các âm Việt hoá: sáng, rạng, láng (sáng láng). Thổ ngữ Mường (đan lai, ly hà, poọng): *khláng [Vương Lộc 1997: 61], laŋ (9 thổ ngữ Mường), tlaŋ (5), baŋ (1), blaŋ (1), k’ɣm (5), ʂɣm (1) [NV Tài 2005: 266]. Thế kỷ XV-XVI, An Nam dịch ngữ ghi âm bằng kháng 亢 (số 22); so sánh với các đối ứng khláng (đan lai, ly hà), khláng (Pọng), Vương Lộc tái lập *khláng [1997: 61]; Shimizu Masaaki tái lập thuỷ âm kép *kʰr- [2008: 5]. Kiểu tái lập: *kraŋ⁵ [TT Dương 2012c].
dt. sớm mai. Mười hai tháng lọn mười hai, hết tấc đông trường, sáng mai. (Trừ tịch 194.2).
sắt 鐵 / 鉄
◎ Nôm: 𨫊 Đọc âm HHV. AHV: thiết, nhầm từ chữ. Thế kỷ XV-XVI, An Nam dịch ngữ ghi 鐵殺 thiết: sát (số 623) Vương Lộc tái lập là *khlắt [1997: 170]. Thế kỷ XVI, An Nam quốc dịch ngữ ghi 鐵客 thiết: khách, Shimizu Masaaki tái lập thuỷ âm kép *kʰr- [2008: 5]. Ss các đối ứng ksất, khăch, khăt (Mường), và các đối ứng khlek (Hung), lếk (Pọng), Gaston đề xuất kiểu tái lập *krăt [1967: 151; TT Dương 2012c].
dt. kim loại, “sắt” có nguyên từ là “thiết”. (Tự thán 91.3). x. đá sắt.
thệu lệu 石榴
◎ “thệu lệu” [Rhodes 1651 tb1994: 219] là âm HHV của “thạch lựu”. An Nam dịch ngữ thế kỷ XVI ghi: “石榴: la đá lựu”(石榴: 喇大溜) [Vương Lộc 1995: 133; An Chi 2006 t4: 297]. Theo tư liệu điền dã năm 2012, các cụ già vùng đền sóc (Đông Anh, Hà Nội) hiện vẫn dùng âm thệu lệu.
dt. <từ cổ> tức thạch lựu, gọi tắt là lựu, cây bụi, lá hình trứng đảo, hoa nở tháng năm tháng sáu, màu đỏ, hoặc vàng hoặc trắng, quả tròn chín vào tháng chín tháng mười. Tính ôn, hơi chua hơi chát. Thệu lệu hiên còn phun thức đỏ, hồng liên đìa đã tịn mùi hương. (Bảo kính 170.3).
trong 中
◎ Nôm: 𥪝 / 工 / 𥪞 bản B có chỗ ghi 共, âm Việt hoá tái lập là *klong hoặc *tlong. AHV: trung. Baxter (1992: 810) tái lập là *k-ljuŋ cho các ngữ liệu xuất hiện trong Kinh Thi. Rhodes (1651): tlaõ. An Nam dịch ngữ: *tlong hoặc *klong (thổ ngữ Mường tân hợp: klang, đan lai, ly hà: kloong) [Vương Lộc 1997: 60]. Thế kỷ XIX, Génibrel 1898 còn ghi nhận công hay cuông như trong các cụm cuông lòng xót xa, cuông lòng hằng vui, cuông ruột tầm [1898: 94]. Kiểu tái lập: *kloŋ¹ [TT Dương 2012c].
dt. trái với ngoài. Dưới công danh đeo khổ nhục, trong dại dột có phong lưu (Ngôn chí 3.6, 4.7, 5.7, 9.7, 16.7)‖ (Mạn thuật 23.7, 35.2)‖ (Trần tình 42.7)‖ (Thuật hứng 60.7, 70.8)‖ (Tự thán 77.7, 83.6, 84.7, 86.7, 89.2, 89.6, 90.6, 93.3, 99.3)‖ (Tự thuật 116.8)‖ (Bảo kính 153.1, 154.4, 157.5, 159.6, 164.7, 168.8, 172.3)‖ (Thuỷ trung nguyệt 212.1)‖ (Trúc thi 221.3).
trái 𢁑 / 𱜝 / 𣡚
◎ {ba 巴 + lại 賴}, kiểu tái lập *blai; 𱜝 {cự 巨 + lãn 懶}. Kiểu tái lập: *klái . An Nam dịch ngữ: 菓園:文拜 quả viên: vườn trái (*blái). Vương Lộc tái lập là *plai⁵ và *blai⁵ [1997: 58; TT Dương 2012a]. “blai vel trai: fructus” [Morrone 1838: 200]. Ss đối ứng plaj (3 thổ ngữ Mường), tlaj (15 thổ ngữ), klaj (3), laj (3), țaj (2) [NV Tài 2005: 259]. Như vậy, trái gốc Việt-Mường, quả gốc Hán.
dt. quả. Co que thay bấy ruột ốc, khúc khuỷu làm chi trái hoè. (Trần tình 44.4)‖ (Bảo kính 137.1)‖ (Thuật hứng 64.4).
tròn 團
◎ Nôm: 𡃋 / 𧷺 / 𫭕 Đọc theo âm THV. AHV: đoàn. Trong tiếng Việt, thế kỷ XVII, Rhodes ghi “tlòn: tròn. tlòn vẹn: toàn vẹn. một năm tlòn: một năm trọn” [1651, tb1994: 232]. An Nam dịch ngữ: tròn (số 20, 70) ghi [lɔn] có thể tái lập *tlòn, *klòn, Ss mày: klòn, Mã Liềng: klòn; văn bản nôm viết 𢀧 {cự + luân} [Vương Lộc 1997: 60]. Kiểu tái lập: *klon² [TT Dương 2012c].
tt. trái với khuyết, méo. Cây rợp, tán che am mát, hồ thanh, nguyệt hiện bóng tròn. (Ngôn chí 21.6)‖ (Trần tình 40.8)‖ (Tự thán 102.5)‖ (Bảo kính 148.1).
trăm 𤾓
◎ Kiểu tái lập: *tlăm. thế kỷ XVI, “An Nam dịch ngữ” ghi 一百沒欄 (số 686). Ss với đối ứng klăm trong thổ ngữ Mường (Mường bi, Úy Lô), Vương Lộc tái lập là *tlăm hoặc *klăm phiên là “một trăm” [1997: 60, 176]. Thế kỷ XVII,: “tlăm,một tlăm, tlăm sự, tlăm tiéng, nói tlăm tiéng” [Rhodes 1651 tb1994: 230].
dt. số đếm, trỏ rất nhiều. Nước mấy trăm thu còn vậy, nguyệt bao nhiêu kiếp nhẫn nay. (Mạn thuật 26.5)‖ (Thuật hứng 59.4)‖ (Tự thán 85.4)‖ (Bảo kính 171.4).
trước 𨎠/ 𫏾
◎ Kiểu tái lập: *klước. Gaston tái lập *klước khi so sánh với An Nam dịch ngữ và các đối ứng klước (Thạch Bi), tlước (Mẫn Đức) [1967: 43; x. TT Dương 2012a].
dt. (quãng thời gian) đã qua tính ở thời điểm phát ngôn. (Thuật hứng 66.7)‖ Chớ cười hiền trước rằng dại, cầm đuốc chơi đêm bởi tiếc xuân. (Tích cảnh 204.3).
trời 𠅜 / 𡗶
◎ Kiểu tái lập: *blời. Rhodes (1651): blời. An Nam dịch ngữ, trời < *plời, *blời. “bloi vel troi: convulsio cum magno fragore” [Morrone 1838: 201]. Sở dĩ tái lập cả dạng *pl và *bl vì tiền tố p- của tổ hợp PL cũng diễn biến như phụ âm đầu p-, nghĩa là p > b và PL > bl. Quá trình p > b đã kết thúc nhưng quá trình PL > bl hình như diễn ra chậm hơn vì đến giữa thế kỷ XVII, Rhodes còn nhắc đến plàn. [Vương Lộc 1997: 59]. So sánh với các đối ứng tlơy (Vân Mộng, Hạ Sữu, Thái Thịnh, Đông Tân, Ban Chanh, Thái Lai) và plơy (Mỹ Sơn, Úy Lô, Ban Ken), klơy (Suối Săng, Quy Mỹ, Thạch Bi), tlơy, klơy (nho quan) trong tiếng Mường và một số đối ứng trong các ngôn ngữ bảo thủ như plơy (Sách), prơy (Pọng), p’lơy (Mày, Rục), t’lơy (Arem), bri (Xa Khao), kre (Brou), bri (Khmú, Tênh), preah (Khmer), Gaston tái lập là *plời và *klời [1967: 52; xem TT Dương 201a].
dt. thiên công. Quân thân chưa báo lòng cánh cánh, tình phụ cơm trời áo cha. (Ngôn chí 8.8, 10.1, 14.8)‖ (Trần tình 38.7, 40.1, 45.8)‖ Trời phú tính, uốn nên hình, Ắt đã trừng trừng nẻo khuở sinh. (Tự thán 96.1)(Tự thán 85.8)‖ (Bảo kính 146.7, 175.1)‖ (Tích cảnh thi 209.2)‖ (Thuỷ thiên nhất sắc 213.1)‖ (Trúc thi 223.2)‖ (Mộc hoa 241.1)‖ (Trường an hoa 246.2)‖ (Lão hạc 248.7).
trường 長
◎ từ gốc Hán, có âm HTC là *tiaŋ (Vương Lực), *trjaŋ? (Baxter). Gaston Nhẫn so sánh với các đối ứng klàng (Thạch Bi) trong tiếng Mường, và trơng trong tiếng Chăm. An Nam dịch ngữ ghi 慢浪 (số 713), Vương Lộc tái lập là *tlàng [1997: 178], với nghĩa “dài, chậm, lâu”. Thế kỷ XVII, có tlàngbề tlàng [Rhodes 1651 tb1994; 231]. Kiểu tái lập: *klaŋ² [TT Dương 2012c].
tt. dài. Lọ chi tiên bụt nhọc tìm phương, Được thú an nhàn ngày tháng trường. (Tự thán 82.2)‖ (Tức sự 125.1, 126.4)‖ (Bảo kính 170.1)‖ (Trừ tịch 194.2).
trên 𨕭
◎ So sánh với một số đối ứng như klin (Mường, Quy Mỹ), klên (trong các thổ ngữ Mường: Làng Lum, Thạch Bi, Suối Săng, Làng Um, Ban Ken, Mẫn Đức), và tlên (trong các thổ ngữ Mường: Ai Thương, Ban Đào, Đông Tân, Ban Chanh, Thái Lai, Đà Nang), Nhẫn Gaston tái lập là *tlên [1967: 55-56]. Thế kỷ XV-XVI, “An Nam dịch ngữ” ghi 連 (số 20, 70), Vương Lộc tái lập là *tlên và *klên, so sánh với đối ứng trong thổ ngữ Mường như klên (Mường Bi, Úy Lô) [1997: 60; xem thêm NV Tài 2006: 283]. Thế kỷ XVII, Rhodes ghi: “tlên: ở trên. Kẻ bề tlên: người bề trên. Tlên hết mọi sự... Ở tlên gác” [1651 tb1994: 232].
dt. (phương vị từ) trái với dưới. Lộng lộng trời, tây chút đâu, Nào ai chẳng đội ở trên đầu? (Trần tình 40.2) ‖ (Tự thán 99.4)‖ (Bảo kính 186.8)‖ (Thủy nguyệt trung 212.1, 212.8)‖ (Mai 214.3)‖ (Nghiễn trung ngưu 254.2).